SUBMATE
Phần 1. Giới thiệu
Submate là một ứng dụng giúp người khiếm thính tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, mà không cần phụ thuộc vào người khác.
Ngoài việc chuyển đổi lời nói thành văn bản, ứng dụng còn cung cấp các tính năng đặc biệt như ghi hình, ghi âm, tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện, giải thích thuật ngữ vùng, miền, phát hiện ngôn ngữ khác và phân tích cảm xúc người nói. Với mục tiêu trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, Submate hướng đến việc giúp người khiếm thính tự tin hơn trong giao tiếp ở mọi môi trường, từ nơi làm việc, trường học đến các nơi công cộng.
Dự án được thực hiện bởi bốn thành viên: Thanh Tùng (Trưởng nhóm), Ngọc Quân, Thanh Ngọc, và Khánh Nguyên, với sự hỗ trợ từ anh Vũ Dương (Mentor) và chị Thoa Trần (Ban tổ chức Pint of Design).
Phần 2. Quá trình
Chọn đề tài
Nhóm bắt đầu chọn đề tài bằng việc đưa ra các ý tưởng sáng tạo và chọn lọc giải quyết một vấn đề thiết thực nhất. Sau khi thảo luận cùng mentor, nhóm quyết định tập trung vào các giải pháp giao tiếp cho người khiếm thính.
Nghiên cứu, đồng cảm với người dùng
Để chuẩn bị cho dự án, nhóm đã xây dựng bộ câu hỏi khảo sát nhằm tìm hiểu sâu hơn về những khó khăn mà cộng đồng người khiếm thính đang gặp phải. Từ đó nhóm tiến hành phỏng vấn và khảo sát, thu thập dữ liệu thực tế về mức độ suy giảm thính lực, nguyên nhân và nhu cầu của họ đối với công nghệ hỗ trợ giao tiếp. Nhóm cũng tích cực tham gia vào các hội nhóm của người khiếm thính và nghiên cứu các tài liệu chuyên môn để có cái nhìn toàn diện về đối tượng người dùng.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (CED) và Trường Hy Vọng Quận 6 để hiểu rõ hơn về cách người khiếm thính giao tiếp và học ngôn ngữ ký hiệu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa người khiếm thính và người điếc. Người khiếm thính thường có khả năng giao tiếp qua lời nói và nghe được ở một mức độ nhất định, trong khi người điếc mất hoàn toàn khả năng nghe và phải phụ thuộc vào ngôn ngữ ký hiệu. Nhóm nhận thấy rằng người khiếm thính tại Việt Nam không có nhu cầu cao trong việc học ngôn ngữ ký hiệu, thay vào đó họ mong muốn có công cụ hỗ trợ giao tiếp bằng lời nói hiệu quả hơn. Từ đó, nhóm xác định mục tiêu tập trung vào các giải pháp hỗ trợ giao tiếp bằng lời nói dành cho người khiếm thính.
Bên cạnh, sau khi phân tích các ứng dụng hiện có trên thị trường như OtterAI, Transkriptor và Live Transcribe,... nhóm nhận định thị trường chưa có giải pháp nào đáp ứng nhu cầu phụ đề tiếng Việt trong giao tiếp một cách tối ưu.
Thiết kế trải nghiệm
Nhóm đã xây dựng các giả thuyết (Use case) để đánh giá tính thực tiễn của ứng dụng khi được người khiếm thính sử dụng trong các tình huống khác nhau, thảo luận và đề xuất các tính năng chính của ứng dụng bao gồm:
● Phụ đề theo thời gian thực cho các cuộc họp trực tuyến (Zoom, Google Meet) và hội thoại hằng ngày.
● Ghi hình, ghi âm và tóm tắt nội dung, cho phép xem lại và nắm bắt thông tin cuộc hội thoại.
Những tính năng này được thiết kế nhằm giúp người khiếm thính dễ dàng nắm bắt thông tin và giao tiếp hiệu quả trong công việc, học tập và mọi tình huống. Nhóm cũng xây dựng hành trình người dùng (User journey map) chi tiết để đảm bảo trải nghiệm người dùng được liền mạch từ khi tải ứng dụng, đăng nhập đến khi sử dụng các tính năng chính.
Thiết kế giao diện
Nhóm bắt đầu bằng việc xây dựng wireframe, sau đó phát triển concept với các kiểu bố cục, kiểu chữ, bảng màu, icon và hình minh họa. Tiếp theo, nhóm thiết kế chi tiết ứng dụng với các màn hình chính như trang chủ, phụ đề cuộc họp online và phụ đề cuộc đối thoại trực tiếp. Sau đó, tên "Submate" ra đời, kết hợp giữa “subtitle” và “mate”, thể hiện sự thân thiện của ứng dụng như một người bạn đồng hành trong giao tiếp với người khiếm thính.
Phong cách thiết kế của Submate tập trung vào sự đơn giản, thân thiện và hỗ trợ người khiếm thính tối đa. Các tính năng cho phép người dùng điều chỉnh màu sắc, kích cỡ chữ, giao diện tinh gọn loại bỏ những chi tiết thừa, tập trung vào việc hỗ trợ người khiếm thính nắm bắt nội dung cuộc trò chuyện dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả.
Trong giai đoạn cuối, nhóm hoàn thiện thiết kế giao diện sản phẩm, và chuẩn bị nội dung giới thiệu dự án đến cộng đồng. Những nỗ lực của nhóm nhằm mang đến một sản phẩm tối ưu, đáp ứng nhu cầu giao tiếp và tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng người khiếm thính.
Thử thách
Trong quá trình triển khai dự án, nhóm đã đối mặt với một số thử thách đáng kể. Ban đầu, các giả thuyết về vấn đề người khiếm thính đang gặp phải được đưa ra không hoàn toàn chính xác, dẫn đến việc tốn nhiều thời gian và cần phải điều chỉnh lại hướng đi. Việc tìm hiểu người dùng khiếm thính cũng gặp trở ngại về giao tiếp và khó tiếp cận được những đối tượng phù hợp.
Nhóm còn trải qua việc mất động lực khi tiến độ bị chậm lại. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ tận tình từ anh Vũ và chị Thoa, cuối cùng nhóm đã vượt qua những thử thách này, khôi phục tinh thần làm việc, và hoàn thành dự án đúng tiến độ.